Tuổi thơ dữ dội – Tập 2 – Phùng Quán

Sách được đặt tại: Thư viện trung học
Tác giả: Phùng Quán
Nxb: Kim Đồng
Năm xb: 2023
398tr.
Khổ: 21cm
ISBN: 9786042312257
Tuổi thơ dữ dội, cuốn truyện xoay quanh cuộc sống chiến đấu và hy sinh của những thiếu niên 13, 14 tuổi trong hàng ngũ Đội thiếu niên trinh sát của trung đoàn Trần Cao Vân. Những Lượm, Mừng, Quỳnh sơn ca, Hòa đen, Bồng da rắn, Vịnh sưa, Tư dát… mỗi người một hoàn cảnh song đều chung quyết tâm, nhiệt huyết và lòng yêu nước, đã tham gia chiến đấu hết mình và hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Tất cả những ai đã từng đọc tác phẩm này hầu như đều không ngăn được xúc động và những giọt nước mắt cảm thương, cảm phục. Đây thực sự là một tác phẩm quý trong kho tàng văn học Việt Nam. Một câu chuyện khơi dậy trong mỗi người tình yêu đất nước và niềm trân trọng ký ức tuổi thơ.
Từng câu chuyện, từng đứa trẻ trong thời chiến tranh hiện lên đều rất tuyệt vời. 8 câu chuyện khắc họa nên hình ảnh 8 đứa trẻ anh hùng trong tiểu đoàn 32 cậu lính nhỏ. Mở đầu câu chuyện là chiến trường: “Ngày Huế đổ máu” năm 1946, những đứa trẻ với nhiều xuất thân khác nhau trong gia đình giàu nghèo khác nhau được tập hợp và thành lập nên Đội thiếu niên trinh sát Vệ Quốc Đoàn.
Cái tên của đám trẻ khá dân dã: Thằng Vịnh Sưa (vì hàm răng thưa rếch như răng Cá Voi), Lượm sứt (Răng bị mẻ một miếng), Tư dát (nhát gan như thỏ đế), Thằng Thúi, Quỳnh Sơn Ca (vì em có thể chơi đàn, viết nhạc và tiếng hát trong trẻo), Bồng Da rắn… Chỉ cần xem cách chúng đặt biệt danh cho nhau đã thấy sự yêu thương ấm áp của bọn trẻ với nhau trong cơn hoạn nạn, khó khăn rồi.
Điểm hay của truyện là tạo ra được động cơ cho các nhân vật trong truyện hết sức thuyết phục, cụ thể là lý do đưa chúng đến với Cách mạng từ rất sớm cực kỳ tự nhiên nhưng cũng đầy xúc động.
Vịnh sưa học làm thợ nguội, nhà nghèo khổ, cha mẹ mất sớm phải ở với bác ruột. Một lần thấy bác bị bọn Tây đánh đến chảy máu, em rất buồn và căm giận. Ngày bộ đội về Huế, em lân la đến chỗ các anh trổ tài thợ nguội, lau súng, sửa súng, thế la được đi theo Cách Mạng.
Trong khi đó, cậu bé Mừng chừng 10 tuổi, mẹ bị hen suyễn, em thường trèo lên tận cây cao hái lá tầm gửi về sắc cho mẹ uống, em gia nhập đội trinh sát với mong muốn ngày độc lập có bác sĩ chữa bệnh cho người nghèo như mẹ của em.
Đối với Quỳnh Sơn Ca với gia thế rất giàu có, em là 1 thiên tài bẩm sinh trong âm nhạc, thấy được cảnh đất nước nghèo khổ, trái tim đã khiến em lựa chọn trốn gia đình, theo Cách mạng chứ không qua nước ngoài như ba mẹ em mong muốn.
Câu chuyện của Tư dát thì hết sức buồn cười, đang đi học về, nghe các anh bộ đội hát vang trên tàu: “Thà chết không quay lại đời nô lệ! Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu…!” Thế là cậu nhịn không nổi, quẳng cặp xuống sông, nhảy tàu đi theo các anh.
Các em dù nhỏ nhưng tâm hồn đều chọn làm Việt Minh, làm cách mạng, hạnh phúc khi cùng san sẻ cho nhau củ sắn, bao tải làm chăn, ngồi bắt rận cho nhau, chăm sóc nhau trong cái đói rét của núi rừng. Hạnh phúc đôi khi là giản dị nhưng thật xót xa.