Thơ Nguyễn Bính

Sách được đặt tại: Thư viện trung học
Tác giả: Nguyễn Bính
Biên soạn: Thu Thuỷ, Phương Nga
Nhà XB: Thanh niên
Năm XB: 2008.
“Chị từ lỡ bước sang ngang
Trời giông bão giữa tràng giang lật thuyền
Xuôi dòng nước chảy liên miên
Đưa thân thể chị tới miền đau thương
Mười năm gối hận bên giường
Mười năm nước mắt bữa thường thay canh
Mười năm đưa đón một mình
Đào sâu chôn chặt mối tình đầu tiên
Mười năm lòng lạnh như tiền
Tim đi hết máu, cái duyên không về!…
……………………………..
Tuổi son má đỏ môi hồng
Bước chân về đến nhà chồng là thôi
Đêm qua mưa gió đầy trời
Trong hồn chị có một người đi qua…”
(“Lỡ bước sang ngang”)
Trong khi hầu hết các thi sĩ trong phong trào Thơ mới chịu ảnh hưởng của thơ phương Tây,Nguyễn Bính lại gắn bó và hấp thụ tinh hoa ca dao, dân ca, truyện thơ dân gian cả về nội dung lẫn hình thức.
Thơ ông biểu hiện cảnh quê, thắm đượm tình quê, hồn quê nước Việt với một sắc thái lãng mạn. Người ta gặp trong thơNguyễn Bínhnhững hình ảnh bình dị, thân quen: hàng cau, giàn trầu, rặng mùng, cây bưởi, thôn Đoài, thôn Đông…. Tâm sự của người con gái trong Lỡ bước sang ngang của ông cũng là tâm sự của rất nhiều phụ nữ Việt nam thời kỳ đó. Hình ảnh những cô thôn nữ trong trắng, những chàng trai quê chất phác luôn đượcNguyễn Bínhmô tả trongtình yêu lãng mạn nhưng đều dang dở, chua xót đã đi vào lòng độc giả nhiều thế hệ Việt Nam.Nguyễn Bính sử dụng rất nhuần nhuyễn thể thơ lục bát, vì vậy thơ ông càng dễ phổ cập.
Đôi nét về tác giả
Nguyễn Bính (tên thật là Nguyễn Trọng Bính) sinh tại tỉnh Nam Định. Năm 19 tuổi (1937), ông trình làng bài thơ đầu tiên trên thi đàn và vào cùng năm, tập thơ “Tâm hồn tôi” của ông đạt giải Khuyến khích của Tự lực Văn đoàn, giúp ông sớm nổi danh.
Ba năm sau, năm 1940, Nguyễn Bính cho xuất bản tập thơ “Lỡ bước sang ngang” nổi tiếng. Năm 1941, ông đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn của báo Thanh niên Đông Pháp (truyện “Không đất cắm dùi”) và giải Nhất Nam xuyên với truyện thơ “Tỳ bà truyện” gồm 1.550 câu.
Ngoài dòng thơ lãng mạn với những bài thơ nổi tiếng như: Những bóng người trên sân ga, Lỡ bước sang ngang, Cô lái đò, Chân quê…, Nguyễn Bính còn có nhiều bài thơ phản ánh cuộc sống kháng chiến của nhân dân ta. Trong số này, bài thơ Tiểu đoàn 307 đã được nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc và bài hát phổ biến rộng rãi.
Với gần 50 năm tuổi đời, trên 30 năm sáng tác, Nguyễn Bính đã để lại sự nghiệp thi ca khá đồ sộ với 14 tập thơ, 8 truyện thơ, 5 kịch bản sân khấu, 4 tập truyện ngắn và tiểu thuyết…
Nguyễn Bính mất năm 1966.
Năm 2000, nhà thơ được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.