Những ngày thơ ấu – Nguyên Hồng

Sách được đặt tại: Thư viện trung học
Tác giả: Nguyên Hồng
Nxb: Hội nhà văn ; Nhã Nam
Năm xb: 2023
171tr.
Khổ: 21cm
ISBN: 9786043913361
Hồi ký “Những ngày thơ ấu” là một trong những tác phẩm đặc sắc nhất của Nguyên Hồng, bao gồm thiên hồi ký cùng tên “Những ngày thơ ấu” và bốn truyện ngắn khác, được NXB Đời Nay in lần đầu năm 1940. Với lối viết chân thực giản dị mà thắm đượm trữ tình, tác phẩm đã tái hiện những kỷ niệm sâu sắc về thời thơ ấu nhiều cay đắng của tác giả trong một gia đình không hạnh phúc.
“Kính tặng mẹ tôi” là lời đề từ mà nhà văn Nguyên Hồng trân trọng đặt ngay đầu tác phẩm, biểu thị một sự thật hiển nhiên rằng “Những ngày thơ ấu” mang tình yêu cùng niềm kính trọng của một người con hướng về mẹ mình.
Từ thuở lên bảy, lên tám, ở cái tuổi hay tò mò và ghi nhớ rất lâu, Hồng đã nhận ra sự lạnh nhạt trong tình cảm của cha mẹ, hai con người đã lấy nhau vì lề thói cũ và gắng gượng ăn nằm với nhau để lấy con nối dõi cho dòng họ. Nguyên Hồng đã nhiều lần lên tiếng thay cho người mẹ xinh đẹp nhưng bất hạnh của mình, lên tiếng chống lại những tối tăm oan trái từ lễ giáo phong kiến đã đè nén lên thân phận của phụ nữ trong xã hội cũ. Chứng kiến cuộc đời mẹ, lúc còn trẻ sống nhẫn nhục bên người chồng chẳng có tình cảm, sống thầm lặng như cái bóng ngắn của bức tường dày, đến khi chồng chết phải tha phương cầu thực, chịu mọi sự khinh bỉ.
Thiên hồi ký của Nguyên Hồng giãi bày một tâm hồn trong sáng nhất, làm bật lên tình mẫu tử cao đẹp nhất, và đồng thời phơi bày sự cay nghiệt của lề thói trong xã hội cũ đã dồn người phụ nữ vào bước đường cùng. Văn phong của Nguyên Hồng không những tinh tế mà còn có sức lan tỏa sự rung cảm và làm thức dậy giác quan của người đọc. Đó là cảm giác của một cậu bé sau bao tháng ngày tủi hổ, cô đơn, đằng đẵng xa cách lại được lăn vào lòng mẹ:
“Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ, để bàn tay mẹ vuốt ve từ trán xuống cằm, và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một thứ hơi êm dịu vô cùng.”
Độc giả dường như cũng được thể nghiệm thứ cảm giác ấy, thứ cảm giác ấm áp mơn man khắp da thịt…
Nguyên Hồng của tuổi hai mươi làm sống dậy những ngày thơ ấu của chính bản thân, không chỉ đơn thuần là kể lại những kỷ niệm và sự kiện đã qua, mà bằng cách lắng nghe những âm vang sâu lắng của tâm hồn đồng thời ghi nhận những xúc cảm tinh tế từ bên trong, thì mới viết ra được một thiên hồi ký dễ dàng chạm vào điểm yếu mềm nhất trong tâm khảm người đọc đến thế. Đó chính là màu sắc trữ tình lãng mạn trong trang văn hiện thực đậm chất Nguyên Hồng.