Người mẹ – Maksim Gorky

Sách được đặt tại: Thư viện trung học
Tác giả: Maksim Gorky
Dịch: Phan Thao
Nxb: Văn học
Năm xb: 2023
562tr.
Khổ: 21cm
ISBN: 9786043941227
Maxim Gorky (1868 – 1936), là “người đại biểu vĩ đại nhất của nền văn nghệ vô sản”. Trong số những tác phẩm của Maxim Gorky xứng đáng được xếp vào kho tàng văn học của nhân loại, phải kể đến tác phẩm ” Người mẹ“.
“Người mẹ” là tác phẩm điển hình chiếm một vị trí đặc biệt không những trong sáng tác của nhà văn mà trong cả nền văn học thế giới thế kỷ XX. Tiểu thuyết ra đời vào năm 1907, tái hiện bối cảnh xã hội nước Nga vào thế kỷ XX, mô tả đời sống của bộ phận công nhân ở nhà máy, phong trào công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư sản.
Paven Vlaxôp tiêu biểu cho người chiến sĩ cách mạng vô sản, từ một thanh niên quằn quại, giày vò trong cuộc sống tối tăm đã tìm được đường đi và trở thành một người cách mạng kiên cường, một chiến sỹ cộng sản. Bà mẹ Nhilôpna tiêu biểu cho quá trình hồi sinh của quần chúng trong phong trào cách mạng vô sản.
Ở đầu tác phẩm, Nhilôpna là hiện thân của người phụ nữ lao động Nga hiền lành, đau khổ, sống cam chịu và sợ chồng, hết mực yêu thương con, cho nên bà đến với cách mạng cũng bắt đầu từ tình yêu đó. Bà theo sát từng bước đi, từng việc làm của Paven Vlaxôp và với sự nhạy cảm của một người mẹ, bà đã nhận ra con đường đi theo cách mạng của con trai là đúng. Nhilôpna đã dần dần khắc phục được tâm lý tự ti, khiếp nhược, vươn dậy, tự khẳng định khả năng, sức mạnh, trách nhiệm của mình. Hành động nổi bật đánh dấu bước ngoặt trong nhận thức của Nhilôpna là việc bà mang truyền đơn và sách báo cách mạng vào nhà máy.
Nội dung trong cuốn tiểu thuyết còn thấm đượm sâu sắc niềm lạc quan cách mạng,niềm tin tưởng vững chắc vào tiền đồ thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa xã hội. Chính vì vậy, mặc dù “Người mẹ” kết thúc bằng cảnh Người mẹ bị bắt, song truyện vẫn làm người đọc lạc quan, tin tưởng ở ngày mai, một luồng gió mới, một sinh khí mới làm cho người đương thời phải thay đổi những suy nghĩ của mình về con người, về cuộc đời, cách mạng, thúc đẩy mọi người hành động tiến lên nhịp bước vào thời đại anh hùng.
Ngay từ những năm 1930-1940, cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Người mẹ” đã là cuốn sách gối đầu giường của biết bao thanh niên Việt Nam thuộc thế hệ cách mạng kháng chiến chống Pháp. Cuốn sách mang sức sống đấu tranh này đã trang bị một vũ khí tư tưởng vô địch cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động tấn công vào thành trì của bọn bóc lột.