Hồ Quí Ly: Nhân vật lỗi lạc nhất thời đại từ Đông sang Tây – Quốc Ấn

Sách được đặt tại: Thư viện trung học
– Tác giả: Quốc Ấn
– Nxb: Nam Cường
– Năm xb: NI
– 170tr.
– Khổ: 21cm
– ISBN: NI
Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, có lẽ hiếm có trường hợp một nhân vật lịch sử nào lại gây ra nhiều tranh cãi như Hồ Quý Ly.
Hồ Quý Ly, ông xuất hiện vào thời Trần mạt, nổi lên như một con người có hoài bão, có tham vọng chấn hưng, cải tổ đất nước về mọi mặt, thậm chí dẹp bỏ nhà Trần đã mục ruỗng để lập nên một triều đại mới, nhưng rốt cuộc, những cải cách của ông không thể cứu vãn nổi tình thế đất nước khi ấy. Vẻn vẹn bảy năm sau khi ông dẹp Trần, lập Hồ, nhà Minh đem đại quân sang xâm lược, nhà Hồ non trẻ chống đỡ không nổi, nước mất nhà tan, giang sơn rơi vào tay giặc, bản thân ông cùng tôn thất nhà Hồ bị bắt và đem sang Đại Minh, rồi chết nơi xứ người.
Trước đây, các sử gia vốn xếp nhà Hồ của Hồ Quý Ly vào “ngụy triều”, họ chỉ trích ông vì thân là tôi nhà Trần mà lại cướp ngôi nhà Trần, lạm sát tôn thất khiến lòng dân bất phục, hơn nữa, cái tội lớn nhất của ông là để mất giang sơn vào tay nhà Minh. Dầu vậy, những năm gần đây, cũng đã có nhiều luồng ý kiến xem xét lại về hai vấn đề công và tội của Hồ Quý Ly, nhìn nhận kỹ hơn về những chính sách cải cách của ông. Xoay quanh Hồ Quý Ly, vấn đề công và tội luôn là một chủ đề gây tranh cãi, và cũng là một chủ đề thú vị. Lịch sử là những bài học mà tiền nhân để lại cho hậu thế, để chúng ta xem xét, để học hỏi, và để đánh giá. Vậy thì nên đánh giá Hồ Quý Ly như thế nào cho đúng đây?
Ông là bậc anh tài với nỗi niềm bi phẫn vì sinh ra nhầm thời, hay là kẻ tội nhân thiên cổ đã đánh mất giang sơn vào tay giặc?