Giông Tố – Vũ Trọng Phụng

Sách được đặt tại: Thư viện trung học
Tác giả: Vũ Trọng Phụng
Nhà xb: Đại học Sư Phạm
Năm xb: 2007
272tr.
Khổ 21cm
“Giông tố” nằm trong “Tam kiệt tiểu thuyết” của Vũ Trọng Phụng, tiểu thuyết được viết vào năm 1936 với 30 chương. Từ cái tên đã thể hiện được tinh thần của tác phẩm, Vũ Trọng Phụng đặc tả những cái dâm ô uế, phản ánh xã hội thực dân nửa phong kiến đang trải qua khủng hoảng như một cơn giông dữ dội, khi mà từ trật tự xã hội đến bản chất con người đều chỉ là bất công, giả tạo, thối nát và mục ruỗng. Đến cuối cùng Giông tố cũng khép lại bằng tấm màn đen tối cho số phận của Long, Nghị Hách và Thị Mịch.
Tất cả những bi kịch được nổ ra từ Nghị Hách một tên tư sản có tiền, có quyền. Tình huống bắt đầu vào một đêm hắn ta bị hư xe giữa đường làng và thế là trong lúc đợi sửa xe Nghị Hách đã giở trò đồi bại với Thị Mịch, sau đó hắn trả cho Thị 5 đồng như muốn chế giễu cô. Vì quá ấm ức và thương con cha của Thị Mịch đã đâm đơn kiện lên quan lớn. Nhưng không ngờ rằng tên Nghị Hách mưu mô đã giở trò và hắn trắng án. Cuối cùng vì đã mang bầu Thị Mịch phải chấp nhận làm vợ lẽ cho tên Nghị Hách tránh lời ra tiếng vào của người khác. Tưởng chừng như cuộc sống của Thị Mịch sẽ yên ấm, trở thành vợ lẽ của một tên quan giàu có, quyền lực lúc bấy giờ. Sau khi về làm vợ lẽ Thị Mịch vẫn không dứt tình với tình cũ là Long, một người đáng lẽ ra phải là chồng của cô nếu không phải vì chuyện mà Nghị Hách làm ra…
“Khốn nỗi cái lương tâm của con người ta không để người ta triết lý một cách ích kỷ như thế. Người ta không phải hễ nghĩ ra được những lý luận an ủi mình là đã quả nhiên tìm được sự an ủi trong lòng người ta, đã nghĩ ngợi thì phải có nghĩ đi và nghĩ lại.”
Long sau mối tình bi kịch với Thị Mịch hắn trở nên thay tính đổi nết, giờ đây Long là một tên ăn chơi trác táng, Thị Mịch thì trở thành người toan tính mọi thứ, không chung trinh. Bi kịch được mở ra khi Nghị Hách biết được sự thật Long là con trai của hắn, còn vợ chưa cưới của Long là Tú Anh người Nghị Hách luôn nghĩ là con của hắn ta lại là con của Hải Vân và vợ ông. Sự loạn luân, dâm đãng của các nhân vật cho ta thấy được góc nhìn đầy bi kịch của nhân vật Nghị Hách.
Chi tiết được xem là hài hước nhất trong sách đó là bằng quyền lực của mình Nghị Hách đã trở thành Nghị trưởng, ngày Nghị Hách đãi tiệc nhậm chức hắn đã đóng vai người tri thức bằng cách đọc một bài diễn văn nói về bình đăng và sự nhân ái.
Cuối cùng Thị Mịch đưa con về quê, Long chọn cái kết đau đớn cho cuộc đời mình. Nghị Hách khi nhận ra sự thật cũng là cái kết cho kẻ lộng hành, ác độc, dâm ô. Một tên quan lớn có lòng dạ độc ác như hắn xứng đáng nhận được nhiều sự trừng phạt hơn nữa.