Đôi lứa xứng đôi – Nam Cao

Sách được đặt tại: Thư viện trung học
Tác giả: Nam Cao
Nxb: Văn học ; Minh Thắng
Năm xb: 2022
Tái bản
115tr.
Khổ: 21cm
ISBN: 9786043727586
“Chí Phèo” được nhà văn Nam Cao đặt tên trong bản thảo là “Cái lò gạch cũ”, nhưng có lẽ nhằm gây chú ý cho công chúng đương thời, nhà văn Lê văn Trương khi viết lời tựa cho tập truyện đã đổi thành “Đôi lứa xứng đôi”. Về sau, khi in lại truyện này trong tuyển tập “Luống cày” (tập truyện của 4 tác giả: Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân) tác giả Nam Cao đổi tên truyện của mình thành “Chí Phèo”.
Chí là một đứa trẻ bị bỏ rơi ngay từ lúc lọt lòng, may mắn được người ta nhặt về nuôi rồi trở thành canh điền nhà kỳ mục Bá Kiến ở làng Vũ Đại. Vì ghen mà Bá Kiến đẩy Chí vào ngục giam. Bảy, tám năm sau Chí trở về làng gây sự với kẻ đã khiến mình đi tù, nhưng lại bị viên kỳ mục này lợi dụng, Chí trở thành tay chân của Bá Kiến, trở thành kẻ chuyên nghề đâm thuê chém mướn. Suốt vài chục năm liền Chí chìm trong những cơn say, làm việc ác trong lúc say, đến nổi không biết rằng mình đã trở thành một con quỷ dữ trong làng.
Một ngày kia, sau một cuộc rượu say sưa, trên đường về nhà, giữa vườn chuối trên bãi sông, Chí bỗng thấy một người đàn bà. Chí gặp Thị Nở, sau buổi đêm ấy, sau cơn sốt ngày kế tiếp, sau bát cháo hành nghi ngút khói, cuộc đời Chí lần đầu tiên tỉnh táo sau bao nhiêu năm say…
Câu chuyện xây dựng thành công sự xung đột vô cùng quyết liệt của hai nhóm người thuộc hai tầng lớp trong xã hội thực dân nửa phong kiến: nhóm cường hào, vai vế bề trên gồm những Bá Kiến, Lý Cường, Đội Tảo… và nhóm cùng đinh lưu manh hóa gồm những Chí Phèo, Binh Chức, Năm Thọ… Nhóm cường hào cai trị, bòn rút đám đông dân quê, lại cũng cạnh tranh, sát phạt nhau… Chính vì vậy, nhóm cùng đinh lưu manh hóa đã được bọn cường hào sử dụng làm công cụ để trừng trị lẫn nhau và áp chế dân làng.
Truyện “Chí Phèo” khái quát một hiện tượng xã hội ở làng quê Việt Nam trước năm 1945, một bộ phận nông dân lao động lương thiện bị đẩy vào con đường lưu manh hóa. Nhà văn đã kết án đanh thép cái xã hội tàn bạo tàn phá cả thể xác và tâm hồn người nông dân lao động, đồng thời khẳng định bản chất lương thiện của họ vẫn luôn cưỡng lại quá trình tha hóa đó, ngay cả khi bị vùi dập nhân hình, nhân tính.
Truyện “Chí Phèo” hầu như được giới nghiên cứu và giới mộ điệu nhất trí xem là một kiệt tác, đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Nam Cao, đồng thời là kiệt tác đỉnh cao của văn xuôi tự sự Việt Nam những năm 1930 – 1945.