Lịch sử Trung Đông 2000 năm trở lại đây: Tập 3 – Bernard Lewis

Sách được đặt tại: Thư viện trung học
– Tác giả: Bernard Lewis ; Dịch: Nguyễn Thọ Nhân
– Nxb: Tri thức
– Năm xb: 2022
– 236tr.
– Khổ: 21cm
– ISBN: NI
Sách được xuất bản ở New York năm 1995 và nhanh chóng trở thành một trong những ấn bản bán chạy nhất trong các nước nói tiếng Anh, nhất là sau sự kiện ngày 11 tháng Chín năm 2001 ở New York. Đây là một công trình nghiên cứu công phu về lịch sử Trung Đông, được trình bày một cách đơn giản, không chỉ dành riêng cho các nhà chuyên môn. Dù cố gắng hết sức, nhà sử học cũng không thể nào che giấu được quan điểm của mình toát ra từ các phân tích chủ quan về các sự kiện lịch sử và ảnh hưởng của chúng lên các vấn đề hiện tại. Đó cũng là nhận định của nhiều nhà nghiên cứu về Trung Đông ở các nước phương Tây sau khi cuốn sách này ra đời.
Để đi sâu hơn nữa vào lịch sử và nền văn minh của vùng đất ấy nhằm giải thích và phân tích những sự kiện hiện đang xảy ra bằng cách tham khảo một tài liệu hàng đầu của thế giới viết về vấn đề này. Tác giả của sách là Giáo sư Bernard Lewis, nhà Đông phương học nổi tiếng của thế giới phương Tây, hay như tờ Thời báo New York đã gọi, “vị niên trưởng của ngành nghiên cứu về Trung Đông” ở Mỹ.
Quan điểm của Bernard Lewis về Trung Đông có một tầm quan trọng rất lớn vì nó đang là kim chỉ nam cho một số nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ, đặc biệt là trong giới chính trị gia theo xu hướng Tân Bảo thủ đang nắm quyền ở Mỹ. Năm 2002, Paul Wolfowitz, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ trong giai đoạn mở màn cuộc chiến tranh Iraq, sau đó là Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, có nói: “Bernard Lewis đã dạy cho (chúng tôi) phải hiểu như thế nào về lịch sử phức tạp và quan trọng của vùng Trung Đông và dùng nó để dẫn dắt chúng tôi trên con đường xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho các thế hệ mai sau”. Michael Hirsh, biên tập viên kỳ cựu của tạp chí Newsweek đã viết tháng Mười một năm 2004: “các điều bất hạnh của chúng ta (Mỹ) hiện nay ở Iraq có lẽ đã thật sự bắt đầu vào năm 1950 khi một nghiên cứu sinh trẻ tuổi của trường Đại học London tên là Bernard Lewis đến Trung Đông” để tìm tài liệu cho luận văn Tiến sĩ của mình về đề tài Lịch sử Hồi giáo.
Trong hơn một nửa thế kỷ giảng dạy môn Lịch sử Trung Đông tại các trường Đại học London và Princeton (Mỹ), Bernard Lewis đã cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu về đạo Hồi và Thế giới A-rập, những tài liệu kinh điển của ngành Trung Đông học ở Anh và Mỹ. Ta có thể kể: The Arabs in History, London 1950; The Political Language of Islam, Chicago 1988; Islam and the West, New York 1993; Islam in History, Chicago 1993; Cultures in Conflict, New York 1994 và nhiều tác phẩm khác. Trong những năm đầu thế kỷ 21, Bernard Lewis đã viết nhiều tác phẩm mang tính thời sự và chính trị hơn, trong đó ông không ngần ngại sử dụng uy tín khoa học của mình để thuyết phục độc giả về sự đúng đắn của những luận điểm đề ra. Các tài liệu ấy như From Babel to Dragomans: Interpreting the Middle East (2004), The Crisis of Islam (2003), What went wrong? The Clash between Islam and Modernity in the Middle East (2003) hay bài báo của ông Nguồn gốc cơn thịnh nộ của người Hồi giáo (The Roots of Muslim Rage) trên tờ The Atlantic năm 1990 mà tạp chí The New Yorker đăng lại vào năm 2002 dưới tiêu đề Cuộc nổi dậy của Hồi giáo (The Revolt of Islam), sau khi sự kiện 11/9/2001 xảy ra. Trong bài báo này, Bernard Lewis lần đầu tiên sử dụng cụm từ “sự đụng đầu của các nền văn minh” (The clash of civilizations) để mô tả cuộc xung đột, theo ông vẫn còn tiếp diễn, giữa Hồi giáo và phương Tây. Năm 1995, Samuel P. Huntington đã đưa cụm từ này vào tiêu đề cho bài báo nổi tiếng và gây nhiều tranh luận của mình trên tờ Foreign Affairs. Chính do lời tiên đoán về sự bùng nổ của các căm thù ấp ủ trong lòng người Hồi giáo đối với phương Tây nói chung và Hoa Kỳ nói riêng mà sau sự kiện ngày 11 tháng Chín ở New York, Bernard Lewis được đông đảo quần chúng biết đến.